Một số phong cách kiến trúc người Pháp đã mang vào nước ta

– Kiến trúc theo phong cách Roman: Được thấy ở Việt Nam chủ yếu trong kiến trúc thuộc Thiên chúa giáo như nhà thờ, nhà tu, trường dòng được xây dựng ở nhiều thành phố và làng xóm trong khắp cả nước. Công trình Roman đẹp nhất xây dựng ở nước ta là Nhà thờ Đức Bà tại Sài Gòn, sau này vào năm 1960 được Toà thánh La Mã phong cho tên gọi là “Vương Cung Thánh Đường”. Nhà thờ do kiến trúc sư Jules Bourard thiết kế năm 1880.

– Kiến trúc theo phong cách Gothic: Chỉ thấy chủ yếu ở nhà thờ và nhà tu, trường dòng, không như ở châu Âu còn thấy ở các công trình công cộng, các lâu đài vua chúa và nhà ở thường dân. Công trình tiêu biểu là nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng với phong cách Gothic nguyên thủy nghiêm ngặt với những vòm cuốn nhọn nhưng cũng được tinh giản nhiều: cửa sổ hoa hồng nhỏ, trang trí tượng rất ít, ở mặt chính chỉ có duy nhất 1 tượng thánh, còn lại tất cả các hốc tường đều là những cửa sổ hẹp hình tên. Vì là một nhà thờ nhỏ nên yếu tố cuốn chống – một yếu tố quan trọng nhất trong hệ thống kiến tạo Gothic không được áp dụng. Ngôi nhà thờ theo phong cách Gothic lớn nhất ở nước ta là nhà thờ Phú Nhai xây dựng năm 1911 tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

– Phong cách trại lính: Là loại công trình do thực dân Pháp xây dựng ở Việt Nam cuối thế kỉ XIX, dùng chủ yếu cho quân đội như trại lính, nhà của sĩ quan và một số công trình công cộng khác như bệnh viện, trường học Đây là loại kiến trúc đơn giản “với quan niệm một kiểu kiến trúc nhiệt đới thô sơ thời bấy giờ”. Các công trình đều có chung một dạng mặt bằng hình chữ nhật, có hành lang chạy chung quanh cả 4 mặt. Hành lang rộng từ 2.5 đến 3.5m. Bước cột từ 4 – 5m, cửa cuốn gạch hình cung hay bán cầu có khóa vòm, đôi khi dùng cuốn thép hình. Sàn dùng thép hình IPN là dầm đỡ, trên cuốn gạch, mái ngói tây, ngói đá hay lợp tôn.

– Kiến trúc cổ đại Hy Lạp – La Mã và Phục hưng: Ở nước ta không có công trình kiến trúc nào được làm đúng theo kiểu kiến trúc cổ điển Hy Lạp – La Mã nhưng việc sử dụng những hệ thống thức kiến trúc cổ điển rất phổ biến dưới các hình thức kiến trúc Phục hưng, chủ nghĩa cổ điển Pháp, phong cách Baroc và các dạng chiết trung. Các công trình kiến trúc cổ điển này rất nhiều và hầu hết là những tòa lâu đài công quyền đồ sộ, hoành tráng, sử dụng cho quan chức cao cấp trong chính quyền thuộc địa. Tại Hà Nội, Tòa án tối cao ở đường Lý Thường Kiệt là một tác phẩm mang phong cách Hy Lạp với hệ cột Doric, do kiến trúc sư Henry Vildieu xây dựng năm 1906. Phủ Toàn quyền, nay là Phủ Chủ tịch, được xây dựng theo phong cách Phục hưng có điểm thêm những nét Baroque (cầu thang ngoài trời cong, tay vịn cong, bậc cong; cửa sổ mắt bò hình bầu dục) do kiến trúc sư Charles Lichtenfelder xây dựng năm 1907.

– Phong cách Baroque: Những công trình lớn làm theo phong cách này không nhiều nhưng nó lại rất phổ biến trong kiến trúc các nhà dân ở đô thị, thậm chí ở ngoại thành những thành phố lớn. (UBND thành phố Hồ Chí Minh). – Phong cách cổ điển Pháp: Từ những năm đầu thế kỉ XX, thực dân Pháp xây dựng ở nước ta nhiều công trình lớn mang phong cách cổ điển Pháp, đồ sộ, nghiêm trang, đứng đắn nhưng nhiều khi lạnh lùng, thậm chí thiếu linh hồn. Tiêu biểu cho loại kiến trúc này là Tòa án tối cao ở Hà Nội, xây dựng năm 1920 theo bản thiết kế bên Pháp đưa sang và ga Hà Nội.

Comments are closed.